Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Những vết nứt của hạnh phúc

Tôi lập gia đình đã gần 4 năm nay và đã có cô con gái gần 2 tuổi. Tôi và anh sống với nhau không mặn nồng như nhiều cặp vợ chồng khác, chúng tôi sống với nhau vì nghĩa hay vì tình nhiều lúc tôi không xác định được, bởi anh là người ít nói, không hay chia sẻ.
Những vết nứt của hạnh phúc 1
Anh không bao giờ biết tự giác làm việc nhà phụ tôi mà đợi tôi bảo mới chịu làm mà anh lại thường xuyên để lâu chứ không chịu làm liền.
Anh thường ngày cũng vậy rất thờ ơ, rất lạnh lùng. Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi rằng “Anh có yêu tôi không?”. Anh không hề lãng mạn, không hề quan tâm đến cảm giác của tôi. Anh không bao giờ biết nhường nhịn tôi, không biết để dành cho tôi những thứ ngon nhất, những công việc nhẹ nhàng nhất. Anh không bao giờ biết tự giác làm việc nhà phụ tôi mà đợi tôi bảo mới chịu làm mà anh lại thường xuyên để lâu chứ không chịu làm liền. Cả hai vợ chồng tôi đều là công chức Nhà nước nên tần suất làm việc như nhau, nên tôi cần anh chia sẻ công việc nhà. Khổ nỗi, anh chỉ biết đến bản thân mình, anh chỉ thích đi đá bóng mỗi chiều dù cho ở nhà tôi chưa nấu cơm, chưa tắm cho con (hai vợ chồng tôi ở nhà riêng), ngoài ra anh thích chơi chim, suốt ngày chỉ lo cho mấy con chim chào mào của anh. Tối đến anh lại xem phim đến tận khuya. Anh không có tính tự giác, không thương vợ, không chăm con. Đã vậy mọi công việc trong gia đình tôi đều phải lo: mua đất, làm nhà,… Tôi thật sự thấy chán ngán, đã nhiều lần tôi mang ý định chia tay nhưng vì nghĩ đến con tôi nên tôi lại thôi. Nhưng tình cảnh này mà cứ tiếp diễn thì có lẽ tôi không chịu đựng được, chắc là cũng phải chia tay thôi. Bởi vậy thời gian gần đây tôi hay chán ngán, tôi mệt mỏi, tôi cần bờ vai chia sẻ. Tôi thèm có một bờ vai để tôi nương tựa, để chia sẻ gánh nặng gia đình. Giá mà có ai đó thấu hiểu được tôi, chia sẻ cùng tôi, có lẽ tôi sẽ dễ bị sa ngã và… Tôi phải làm sao đây? Làm sao để anh thay đổi. Tôi không muốn trở thành con người bị người đời chửi bới và càng không muốn con gái mình phải khổ vì cha mẹ chia li. Anh là người rất bướng bỉnh. Đã nhiều lần tôi mắng trách anh, tôi bảo “Nếu thấy sống với nhau không được thì chia tay”, anh chỉ bảo tôi rằng “khùng ah”, thế là xong.
Có ai đó thấu hiểu thì hãy chỉ cho tôi cách để làm anh thay đổi. Tôi không phải là tuyp người ngọt ngào nhưng tôi lại thích sự quan tâm, sự lãng mạn. Thật lòng thời gian này tôi luôn muốn có được cảm giác như thời mới yêu. Tôi cần vòng tay che chở, cần bờ vai chia sẻ và cần sự quan tâm yêu thương nhiều hơn đến con gái yêu của mình.

Chồng em áo rách em thương




Chồng em áo rách em thương


Nếu nói rằng mình không để tâm những lời ông ấy nói thì không đúng, mình sẽ không ngồi đây mà viết ra những dòng này. Đây không phải là lần đầu tiên có người nói như thế, nhưng với ngôn ngữ xúc phạm ấy thì mình thật sự hơi bất ngờ.
Hôm nay mình đi gửi hàng cho khách, chồng đi cùng vì không nỡ để vợ 1 mình đi giữa trưa nắng nóng. Đang lụi cụi viết đơn hàng cho khách, chị làm ở bưu điện hỏi “chồng em đấy à?”, mình dạ, rồi lại lụi cụi viết. Bên cạnh là 1 gã, có lẽ đáng bậc cha chú mình, tự nhiên chửi xơi xơi vào mặt mình “đàn ông Việt Nam thiếu gì lại đi lấy chồng Trung Quốc? Cái đồ điên, đồ dở người! Lấy chồng Trung Quốc sau nay sinh con ra nó thành cái bọn phản quốc, mà cái thằng đó nó xấu như ma chứ đẹp đẽ gì đâu? Việt Nam bao nhiêu thằng đẹp không lấy, đi lấy cái thằng Trung Quốc, xấu như ma!”. Lúc đầu mình chỉ cười cho qua nhưng càng nghe càng sốc. Mình lúc đó đúng là á khẩu luôn, ai đó đã nói rằng im lặng là đỉnh cao của sự khinh bỉ, đối với 1 số người tranh luận với họ là nâng cao giá trị bản thân, nhưng đối với 1 số người tranh cai với họ chỉ tốn thời gian và hạ thấp danh dự ngang bằng kẻ đó, mình chọn giải pháp im lặng. 2 chị nhân viên bưu điện thì phản bác giúp mình: “chú buồn cười nhỉ, người ta hợp ai thì cưới người đó, ở đâu chẳng có này người kia, lấy chồng Việt Nam chắc gì đã sướng, nhiều thằng lấy về nó rượu chè, gái gú, đánh đập cho cả ngày”. Mình lẳng lặng làm xong việc của mình thì chào 2 chị nhân viên bưu điện ra về. Chồng hỏi họ nói gì vậy? Mình ôm cục tức nghẹn ngào nói lại với chồng “ông ấy bị điên ấy mà, không có gì cả”. Nếu nói rằng mình không để tâm những lời ông ấy nói thì không đúng, mình sẽ không ngồi đây mà viết ra những dòng này. Đây không phải là lần đầu tiên có người nói như thế, nhưng với ngôn ngữ xúc phạm ấy thì mình thật sự hơi bất ngờ. Một lần khác, 2 vợ chồng sang Lào Cai uống nước, bà bán nước chè hỏi  “mày làm phiên dịch à?”, mình trả lời “dạ không, đấy là chồng con” bà ấy: “điêu, mày như thế mà sao lấy chồng xấu thế? Có mà nói điêu!”. Rồi bà ấy bảo “chắc thằng ấy lắm tiền?”, mình chỉ cười, thật sự là lúc đó mình không để tâm…
tôi thấy mình hạnh phúc, thế là đủ, đâu cần chồng phải đẹp trai đâu nhỉ!? - Ảnh minh họa
Tôi thấy mình hạnh phúc, thế là đủ, đâu cần chồng phải đẹp trai đâu nhỉ!?
– Ảnh minh họa
Tôi đã từng yêu đàn ông Việt nam, nhưng sau này lại kết hôn với người Trung Quốc, không phải đàn ông Việt Nam không tốt, người tôi yêu đã từng đối xử rất tốt với tôi, nhưng hôn nhân cần nhiều đến chữ duyên…Trong cuộc đời ai cũng có những lần lựa chọn và quyết định, và quyết định đúng đắn nhất của tôi là lấy anh – chồng tôi bây giờ – người Trung Quốc. Chồng tôi không lắm tiền như bà bán nước chè, hay hàng trăm con mắt hiếu kì kia vẫn dò dẫm đoán xét, nhưng tôi có thể kể ra trăm ngàn lý do để lý giải tại sao tôi chọn anh. Anh không lãng mạn, và không tâm lý, ngày lễ người ta mua hoa hồng, hoa lan tặng vợ, anh tặng tôi 1 chậu hoa không hương, không tên, chưa thấy ai mang cái hoa đó tặng vợ bao giờ, chỉ bởi vì nghe vợ nói thích hoa, mua hoa tươi sợ héo thôi thì mua chậu hoa cho vợ trồng, anh luôn quan tâm tôi theo cách đặc biệt nhất. Lúc sang Trung Quốc, tiếng Trung của tôi không tốt, đôi giày của tôi bị bong đế, nhưng tôi không nỡ bỏ vì rất thích nó, vậy là tôi mang đến chỗ sửa giày. Người đó lấy 65 tệ, nghĩa là gần 200 ngàn tiền Việt Nam, tôi thấy đắt nhưng lúc đó tiếng Trung của tôi không tốt nên tôi không biết nói gì mà mang giày về, về nhà tôi nói lại với chồng, anh bảo họ thấy vợ là người Việt Nam nên ức hiếp đấy chồng tôi mang giày đến tiệm nói với họ rằng sao đắt thế, mà còn sửa lôm côm thế này, tôi không đi cùng chồng, không chứng kiến được cuộc cãi vã đó ra sao, chỉ nghe anh kể lại, bọn họ chửi chồng tôi họ sửa giày như thế còn đẹp hơn cái mặt của anh… Có lẽ miệng lưỡi chồng tôi không cay nghiệt và độc địa như cái bàn dân chợ búa kia. Anh không bao giờ nổi giận với ai, nhưng sẵn sàng cãi nhau với những người ức hiếp tôi không cần biết thắng hay thua, mạnh hay yếu.
Vợ chồng không tránh khỏi những lúc cãi nhau, tôi vốn bảo thủ cố chấp cãi nhau là im lặng, không nói không rằng, để 1 mình anh xoay sở, nhưng chồng dạy tôi cách đối mặt với vấn đề và giải quyết nó. Mỗi lần cãi nhau dài lắm cũng chi kéo dài 30 phút, bất kể ai đúng ai sai, anh luôn làm hoà trước, tôi học cách biết nhận sai và xin lỗi.
Thức ăn bên này rất phong phú nhưng tôi lại không biết nấu, chỉ biết nấu những món đơn giản, quanh đi quẩn lại chi có mấy món quen thuộc. Nhiều lúc nấu xong tôi còn thấy ngán, không muốn ăn, nhưng anh lúc nào cũng khen ngon và ăn hết, anh ăn sạch thức ăn tôi nấu và ra quán mua đồ cho tôi ăn (tôi nhiều lúc không ăn nổi thức ăn do mình nấu).
Anh nghiện thuốc, một ngày hơn 1 bao thuốc, tôi không cấm chồng hút thuốc nhưng đôi lúc cũng khó chịu khi ngửi mùi khói thuốc, những lúc như vậy tôi nói “chồng đừng hút thuốc, toàn khói là khói” anh sẽ dập ngay điếu thuốc dù là vừa mới châm.
Chồng tôi còn trẻ và nhu cầu chuyện ấy cũng cao, tôi thì nhu cầu bình thường, đôi lúc không hứng thú lắm, chồng sẽ không bắt tôi phải chiều, anh sẽ tắt điện đóng cửa chúc vợ ngủ ngon, sau đó bảo tôi ngủ trước rồi ra ngoài mở máy tính và tự xử…
Một lần ba mẹ chồng đến đón 2 vợ chồng về nhà chơi, đi được 20 phút thì tôi nhớ ra quên mang hộ chiếu, mẹ chồng nhắc, lần sau đi đâu thì phải chuẩn bị đồ từ tối hôm trước, đừng để quên như vậy, nội dung đại loại như thế nhưng mẹ nói hơi nhiều lần, chồng lên tiếng “mẹ nói một lần vợ con biết rồi, nói gì mà nhiều thế?” chồng luôn bảo vệ tôi dù đôi lúc cũng hơi vô lý.
Anh thỉnh thoảng vắng nhà, thường là về thăm ba mẹ, tôi vì tính chất công việc hàng họ của khách nên không đi cùng anh. Nếu đi đâu xa, 1 ngày chồng sẽ gọi điện không biết bao nhiêu lần chỉ để chắc chắn rằng tôi đã ăn cơm, và nếu ra ngoài nhớ mang theo chìa khoá, không sẽ không có người mở cửa cho tôi…
Còn rất nhiều lý do nữa mà tôi không kể thể kể hết ra đây, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Người phụ nữ hạnh phúc là người có chồng quan tâm, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, chia sẻ những lớn nhỏ trong việc, tôi thấy mình hạnh phúc, thế là đủ, đâu cần chồng phải đẹp trai đâu nhỉ!?
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người!”
Thảo Nương

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

8/3 là ngày gì ?

Ngày 8/3, đó là cả một câu chuyện lịch sử dài về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ của nhiều nhóm phụ nữ trên toàn thế giới. Chính phụ nữ là những người làm nên ngày 8/3 lịch sử. Để mỗi năm có một ngày tràn ngập hoa thì đã có không ít máu và nước mắt đổ xuống trong quá khứ. Ngày 8/3/1857, công nhân xưởng may ở New York tuần hành yêu cầu nâng cao chất lượng làm việc: giảm giờ làm và những yêu cầu về quyền lợi cho phụ nữ. Lực lượng biểu tình này đã bị cảnh sát đàn áp. 51 năm sau, 8/3/1908, để kỷ niệm cho sự kiện tháng 3/1857, một cuộc biểu tình của các nữ công nhân Mỹ đòi quyền bầu cử, chấm dứt tình trạng ngược đãi công nhân và bóc lột sức lao động trẻ em cũng bị dập tắt bởi cảnh sát New York.

Năm 1910, một nhà hoạt động xã hội người Đức, Clara Zetkin, đề nghị lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ để kỷ niệm những cuộc biểu tình và những cuộc đấu tranh của phụ nữ trên toàn thế giới vì bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.

Nhiều sự kiện đáng chú ý khác liên quan đến ngày 8/3 như cuộc đấu tranh lớn tại Nga vào ngày 23/2/1917 theo lịch Nga và là ngày 8/3 theo lịch Công giáo, những nữ công nhân đã ồ ạt tấn công khắp các đường phố của Nga. Sự kiện đó sau này được đánh giá là một trong những tác nhân châm ngòi cho Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngoài ra, còn rất nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới cũng nổ ra vào tháng 3 lịch sử.

Năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, LHQ đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày này như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới.

Ngày 8/3 ở Việt Nam

Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm rất trang trọng: một ngày tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp dành cho phụ nữ. Hầu hết người ta đã không còn nhớ chính xác về ý nghĩ lịch sử của ngày này. Nam giới coi đây là cơ hội để thể hiện sự ga-lăng của mình cho những người mà họ yêu quý. Ngày 8/3 đã bị xóa nhòa ranh giới về ý nghĩa thực của nó.

Chính cái ý nghĩa "phát sinh" lại trở nên... rất ý nghĩa đối với phụ nữ. Trong 365 ngày trong năm, người phụ nữ có riêng một ngày để được cả xã hội quan tâm, ngợi ca và cả bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày "bù đắp" cho những vất vả của những người mẹ tảo tần, những người vợ đảm đang, những người vun vén dựng xây tổ ấm gia đình. Có thể không cần phải nói nhiều bạn cũng hình dung ra vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: là người nội trợ chính trong gia đình, người lao động kiếm tiền ngang bằng với nam giới, là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội. Là người gánh vác trách nhiệm sinh nở, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và xinh đẹp hơn - đó là hình dung về những phụ nữ Việt Nam của thế kỷ 21. Và người phụ nữ đang dần khẳng định rằng mình là phái đẹp chứ không còn là... phái yếu như trước nữa!


Những món quà cho ngày phụ nữ


Ngày 8/3 là ngày dành cho phụ nữ những niềm vui bất ngờ. Nhiều năm trở lại đây các nhà sản xuất hàng tiêu dùng đã "nhắm" vào ngày này như một trong những tiêu điểm kinh doanh hằng năm. Song, nếu bạn nhìn lại sẽ thấy rằng 8/3 chủ yếu là dịp để cánh mày râu thể hiện "cử chỉ đẹp" với người yêu và bạn gái ! Những thiếu nữ luôn đầy ắp hoa và thiệp chúc mừng vào mỗi dịp 8/3, song đến khi trở thành người vợ trong gia đình thì người chồng, chàng trai ga-lăng năm xưa cũng quên mất ngày của... vợ. Không ít ông chồng cho rằng hôn nhân là chấm dứt thời của sự "màu mè". Ở một cơ quan nọ, có một nhân viên mua quà tặng hết lượt chị em phụ nữ đồng nghiệp nhưng lại dứt khoát không mua quà cho vợ vì theo anh "đã là vợ chồng thì cần gì phải giữ kẽ như vậy!". Người vợ hẳn sẽ cảm thấy chạnh lòng... Hoặc cũng có người quan tâm lấy lệ: nhờ người ở cửa hàng mang đến tận nhà cho vợ còn mình thì vẫn ngất ngư trong quán nhậu đến khuya !

Có câu chuyện cảm động, một chàng trai đã mua cho mẹ một chiếc áo mới, vô tình trùng vào ngày Quốc tế Phụ nữ. Đó cũng là lần đầu tiên mẹ của anh nhận được quà tặng vào ngày này. "Ồ, con mua tặng mẹ nhân dịp 8/3 à ?". Mẹ cười rạng rỡ, mắt rưng rưng xúc động, niềm hạnh phúc khó diễn tả thành lời. Tự đáy lòng chàng trai trào lên cảm giác hối hận: năm nào anh cũng hớn hở cầm gói quà đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước để tới nhà bạn gái. Không biết những lúc ấy, người mẹ lụi cụi trong bếp, bà đã nghĩ gì ? Hẳn là không khỏi cảm thấy chạnh lòng...

Những phụ nữ Việt Nam vốn kín đáo, ít khi bộc lộ niềm mong ước của mình, cũng bình thản đón nhận sự... lãng quên này.

Còn biết bao người phụ nữ bị quên lãng trong chính ngày của họ. Nhất là những vùng nông thôn, vẫn còn có phụ nữ bị ngược đãi, bị đối xử thiên lệch trong gia đình. Nguyễn Văn Hòa, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM quê ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Hòa Bình kể rằng khái niệm nhận quà trong ngày 8/3 rất xa lạ với phụ nữ ở đây. Thậm chí có cặp vợ chồng trẻ nọ, anh chồng mua quà tặng vợ vào dịp này bị người thân trong gia đình chê trách là "nuông chiều vợ quá đáng" (!).

Người phụ nữ muốn gì ở ngày 8/3 ?
Đơn giản nhất, họ cần được mọi người nhắc đến tên mình, nhớ tới họ với một tình cảm chân thành nhất. Bạn sẽ thấy họ hạnh phúc như thế nào khi được quan tâm, chia sẻ.

"Gửi em, người mẹ tuyệt vời của các con anh. Anh thật may mắn vì trên đời này đã được gặp em. Cảm ơn tình yêu và sự hy sinh của em. Cảm ơn em đã sinh ra những đứa con thật tuyệt vời. Nhân ngày 8/3, hãy nhận lấy tình yêu và sự biết ơn của anh". Đó là tấm thiệp đã ố mờ mà chị Nguyễn Thị Khiết, một phụ nữ 43 tuổi quê ở Thanh Ba, Phú Thọ (hiện đang sống ở P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM) suốt gần 20 năm nay vẫn giữ bên mình. Đây là món quà của chồng chị, anh đã viết tặng chị vào ngày 8.3 cuối cùng trong đời khi anh nằm trên giường bệnh. Nhờ đó chị đã vượt qua mọi khó khăn vất vả, một mình nuôi con khôn lớn sau khi anh mất... Chị tâm sự: "Lời chúc ấy của anh như tấm bùa hộ mệnh, giúp tôi có nghị lực sống. Từ đó, ngày 8.3 trở nên vô cùng thiêng liêng với tôi. Tôi cảm thấy mình có sứ mệnh nuôi con và hoàn thiện mình để sống xứng đáng với tình yêu của người đã khuất".

Bạn sẽ dành cho người phụ nữ của mình sự bất ngờ nào vào ngày đặc biệt này ? Một đóa hoa. Một món quà nho nhỏ hay chính tay mình sửa soạn một bữa cơm ngon cũng đủ đem lại niềm vui cho nữ giới. Ngày 8/3 chính là ngày mà những người chồng, người con cần mang lại niềm hạnh phúc cho phụ nữ bằng chính sự quan tâm xuất phát từ tình cảm trong trái tim mình. Và phụ nữ, những người mẹ của chúng ta rất xứng đáng được tôn vinh như thế!

Popular Posts

Recent Posts

Unordered List

Text Widget