Năm 2016: Không thu lệ phí phúc khảo tại kỳ thi THPT quốc gia
Đó là một trong những quy định trong hướng dẫn định mức chi lệ phí tuyển sinh và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 vừa được Bộ GT-ĐT ban hành.
Theo đó, nguồn ngân sách nhà nước TƯ hỗ trợ căn cứ trên số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại các cụm thi tổ chức cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng do các trường đại học chủ trì (cụm thi đại học).
Mức hỗ trợ cụ thể là 25.000 đồng/môn thi nhân với bình quân 5 môn thi là 125.000 đồng/thí sinh. Ngoài ra, ngân sách TƯ hỗ trợ tiền công tác phí cho các cán bộ, giảng viên, học viên về các tỉnh để tổ chức thi tại các cụm thi đại học theo điều động của Bộ GD-ĐT
Nguồn thu từ phí dự thi, dự tuyển 35.000 đồng/môn, ssau khi trích lại cho Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT theo quy định, được chuyển về các cụm thi đại học để tổ chức kỳ thi.
Nguồn ngân sách địa phương chi trả cho các học sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2016, nhưng tham gia dự thi tại cụm thi đại học. Mức kinh phí ngân sách địa phương chi trả 60.000 đồng/môn thi/thí sinh.
Hướng dẫn cũng quy định cụ thể về định mức chi cho các nội dung trong công tác tổ chức kỳ thi nhập xử lý dữ liệu kỳ thi ban đầu và xử lý kết quả thi; in sao đề thi; hỗ trợ điện nước, dọn dẹp phòng thi; chấm bài thi...
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT quy định, năm 2016, không thu lệ phí phúc khảo đối với các thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung chi, mức chi cho chấm thẩm định, chấm phúc khảo, thanh tra thi, kiểm tra bài thi, các đơn vị sẽ được vận dụng mức chi tại Thông tư số 66.
Trong trường hợp kinh phí thực tế để tổ chức kỳ thi vượt quá nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ và nguồn thu từ lệ phí tuyển sinh, các đơn vị có thể huy động từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị để thực hiện.
Chậm nhất 30 ngày sau khi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 kết thúc, các cơ sở giáo dục đại học chủ trì tổ chức cụm thi phải tổng hợp thanh quyết toán kinh phí báo cáo về Bộ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét