Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Vì sao các “thần đồng” Việt Nam biến mất?

Biết đọc khi chưa biết nói, 4 tuổi đã biết quy đổi ngày tháng chỉ trong vài giây hay biết tính nhẩm siêu phàm..., một số “thần đồng” Việt Nam đã bộc lộ khả năng đặc biệt ngay từ khi còn rất nhỏ.

“Thần đồng” biến mất?
Nhiều trẻ em được gọi là “thần đồng” cách đây 7 - 8 năm nhưng đến nay khả năng đặc biệt đó mai một hoặc biến mất, thậm chí nhiều em khi lớn lên trở nên nhút nhát và khó hòa nhập với mọi người.
Chắc hẳn nhiều người vẫn không quên cậu bé Tuấn Minh (sinh năm 2008) ở Từ Sơn, Bắc Ninh đã từng khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên bởi trí nhớ siêu phàm, em còn được mệnh danh là cậu bé có đầu óc máy tính. Năm 2 tuổi, bé Minh đã thuộc lòng quốc kỳ của tất cả các quốc gia trên thế giới. Lên 3 tuổi, em đã đọc được sách báo rành mạch. Khi lên 4 tuổi, cậu bé đã ghi nhớ lịch vạn niên và quy đổi ngày tháng dương - âm chỉ trong vài giây khiến nhiều người sửng sốt. Theo gia đình Minh, khi lớn lên, em không có biểu hiện gì đặc biệt hơn, không có khả năng vượt trội ở môn nào đó, phản ứng về tính toán chậm hơn. Trả lời báo chí, chị Phạm Thị Hà (mẹ bé Tuấn Minh) cho rằng: “Tôi nghĩ cháu bình thường thôi. Giá như có điều kiện và môi trường học tập tốt, có lẽ cháu phát huy được tốt hơn”.
Skip in 7...
Ad finishes in 00 seconds

Một trường hợp được ví như “thần đồng” khác cũng đem lại nhiều tiếc nuối, đó là trường hợp Trần Nam Sơn (sinh năm 1983, ở Quảng Ninh). Cách đây khoảng 30 năm, trường hợp cậu bé mới 27 tháng tuổi, chưa biết nói bỗng dưng nhìn màn hình karaoke đọc nhoay nhoáy làm tốn nhiều giấy mực của cơ quan truyền thông. Thế nhưng, không như kỳ vọng, lớn lên Sơn không những không thể phát huy được những khả năng thiên bẩm mà theo gia đình của Sơn, em ngày càng nhút nhát, không thích đến những nơi đông người. Đến năm lớp 9 nhưng mẹ Sơn vẫn phải chăm em như một cậu bé lớp 1.
Trao đổi với PV về những trường hợp mà người lớn cho rằng đó là “thần đồng”, TS Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - nhìn nhận: Trẻ có năng khiếu vượt trội thường chỉ nổi trội hơn những trẻ khác ở một mặt nào đó, còn những điểm khác có thể bình thường thậm chí yếu hơn so với mặt bằng chung. Một điều thường gặp là những “thần đồng” này thường phải mang trên vai những kỳ vọng rất cao của cha mẹ, xã hội... trong khi không có được một chương trình giáo dục thích hợp để phát triển năng khiếu. Với cách cư xử quá kỳ vọng vào trẻ, áp lực thành tích sẽ khiến cho trẻ cảm thấy bị ức chế, nhiều khi sẽ khiến các em cảm thấy mình khác người, cô độc và lẻ loi. Vì thế, thay vì lo lắng đến việc duy trì và phát triển khả năng riêng, chúng ta cần phải quan tâm đến việc giảm sự khác biệt của các em với bạn bè.
i
Hãy để cho những “thần đồng” có một tuổi thơ bình thường. Ảnh minh họa: TRẦN VƯƠNG
Thiếu chiến lược nuôi dưỡng tài năng
Theo các nhà nghiên cứu, vài năm đầu một số trẻ thông minh hơn những trẻ khác cùng lứa tuổi, nhưng nếu không giáo dục, bồi dưỡng thì sẽ bị mai một theo năm tháng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho tương lai của các “thần đồng” là rất cần những “bà đỡ”.
Bàn về điều này, TS Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA - nhận định: “Trong hơn 20 năm qua chúng tôi đã được gặp và tiếp xúc với nhiều những cháu nhỏ có khả năng nổi trội về một mặt nào đó so với lứa tuổi nhưng lại chưa được đầu tư đúng hướng để phát triển. Bên cạnh đó, cũng có những cháu chỉ hơi có khả năng một chút nhưng lại được tung hô quá đà, người lớn đôi khi vì say sưa với việc nổi tiếng đã làm thui chột, thậm chí làm khổ đứa trẻ đó. Đã từng có rất nhiều cháu bị tạo áp lực “thần đồng”, không được sống như những trẻ con bình thường khiến các cháu mệt mỏi, các năng khiếu đó không được phát huy đầy đủ và dần bị biến mất. Trẻ em cần được phát triển theo hướng cân bằng, toàn diện và đừng vội vàng “phong thần” cho trẻ và tránh mắc bẫy “nổi tiếng”.
Theo ông Khanh, ở nước ta hiện nay đã có những nghiên cứu về các khả năng đặc biệt này nhưng để duy trì, phát triển và nâng đỡ thì chưa từng được đầu tư. Điều này đáng ra cần được quan tâm sâu sắc hơn. Ở các tỉnh, các lớp năng khiếu cũng nhận một số em vào để bồi dưỡng tuy nhiên năng khiếu và thần đồng là hai hướng đào tạo khác nhau. Nếu xác định được khả năng có thật của các bé thì trong quá trình nâng đỡ, chăm sóc nhất thiết vẫn phải đảm bảo cuộc sống bình thường, hãy trả lại tuổi thơ đúng nghĩa cho các cháu bé.
Theo PGS - TS Văn Như Cương, khi phát hiện con mình có khả năng đặc biệt, phụ huynh cần quan tâm nhiều đến sự bình thường về tính cách, ứng xử thay vì quá vội vui mừng và kỳ vọng vào các cháu. Cùng với đó, các gia đình cũng cần liên lạc với một cơ quan có chuyên môn hay một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khả năng để có những đánh giá sơ bộ và có kế hoạch đào tạo cho con dài hạn. Việc bồi dưỡng những trẻ này cần phải kết hợp cả 2 hướng. Một mặt, vẫn để trẻ học với học sinh bình thường. Mặt khác, cần phải có một nơi chuyên biệt để những trẻ này được hỗ trợ phát triển tài năng của mình.
Ép trẻ “chín non”, tung hô, kỳ vọng quá mức là một sai lầm mà nhiều phụ huynh đang phạm phải trong dạy dỗ con cái. Lấy ví dụ từ chính người cháu trước khi vào lớp 1 đã thuộc tới hơn 1.000 từ tiếng Anh, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng: “Trẻ em ngày nay có nhiều khả năng đặc biệt nhưng người lớn cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào các em. Theo tôi, việc tôn sùng các bạn nhỏ sẽ không đem lại hiệu quả gì tốt đẹp mà có thể còn dẫn đến những hậu quả tồi tệ và lâu dài như việc tạo cho các em sự chủ quan coi mình là tài giỏi mà đánh mất sự cố gắng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách đầu tư, phát triển cho những em có khả năng đặc biệt này”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Recent Posts

Unordered List

Text Widget

Blog Archive