Gió đâu gió thổi sau lưng .
Gió đâu gió thổi sau lưng…
Lúc tui học lớp 10 thì phải lên huyện học. Nhà cách huyện chỉ chừng 7 cây số đường chim bay nhưng bơi xuồng theo đường Sông Cái phải tốn gần nửa ngày, lội bộ thì chừng 2 tiếng. Mỗi tuần qua lại con đường băng ngang xóm chợ,qua xóm Miên, rồi qua một cánh đồng để về nhà tôi chợt để ý thấy mình có thói quen ngóng vào một khung cửa sổ màu xanh, hình tròn. Có lẽ đó là ngôi nhà đẹp nhứt ở đây với khung cửa sổ lạ nhứt không giống hầu hết nhà ở xứ nầy luôn có cửa sổ hình chữ nhật, mà cũng có thể vì khung cửa ấy thấp thoáng bóng một người con gái đẹp với mái tóc dài như tranh tố nữ. Trước nhà có một cái ao trồng đầy bông súng làm ngôi nhà như xa cách với mặt đường, với những người xung quanh. Có hôm trời mát, tui thấy má chị bắt ghế cho chị đứng lên để bà chải tóc cho chị, để tóc khỏi chấm nền nhà, tui mới nhìn rõ, chị không còn trẻ nữa.
Một ngày tui nghe chị ấy hát ru: Gió đâu gió thổi sau lưng, dạ đâu dạ nhớ người dưng quá chừng… chị ru đi ru lại câu đó nghe buồn rưng rức rồi nựng nịu con, nhưng tui chưa từng thấy nhà có con nít. Ngày khác tôi nghe chị khóc rất thê lương chỉ vì ba má chị cắt bớt tóc chị. Chị không cho cắt tóc, để dành chồng dìa vuốt. Một lần thấy chị cởi hết áo xống mà lao ra sân làm ba má chị phải khó khăn lắm mới đưa chị nhốt vô phòng. Nghe bà con nói chị điên chữ nhưng người biết nhiều hơn thì nói chị điên tình.
Qua lại đâu chừng hơn một năm tui mới biết rõ ngọn ngành. Trước tiếp thu chị học ở tỉnh, chị học rất giỏi lại xinh đẹp nên được nhiều anh để ý, chị chỉ thương một anh sĩ quan trẻ. Ngày giải phóng vô, loạn lạc, anh đã có thể di tản nhưng anh quành trở lại vì thương người yêu bé nhỏ là chị. Rồi anh phải đi học tập cải tạo đâu chừng 3-4 năm. Chị chờ anh dìa làm đám cưới, họ dìa quê sống trong căn nhà nầy với ba má chị. Ngày ngày anh làm ruộng, đặt chà, đốn lá dìa cho chị chầm lá bán. Những ngày đó ai ai sống cũng khó khăn huống chi là anh, mang danh lính ngụy. Chịu hết xiết anh quyết định đi Mỹ theo diện HO. Chị mới cấn thai nên anh khuyên chị ở lại với ba má cho an toàn, anh đi vài năm có điều kiện rồi sẽ rước mẹ con chị qua.
Anh đi rồi biệt tăm. Đứa con sinh ra trong thiếu thốn đã bệnh rồi chết để lại nỗi đau đớn khôn cùng cho người mẹ trẻ. Chị vẫn chờ anh. 10 năm sau, khoảng năm 90 anh về. Khỏi nói chị vui cỡ nào sau mười năm nhớ thương, chờ đợi. Bà con tới chung vui đầy nhà. Ba má chị làm hết gà qué đãi đằng bà con. Nhà chị vui như đám cưới lần hai. Anh về nhà được một tháng nên tung tăng qua thăm xóm giềng. Chị ở nhà cặm cụi soạn quần áo cho chồng. Bàn tay đảm đang, chu đáo đã vô tình chạm tới tấm ảnh dưới đáy vali mà vợ mới của anh đã khôn khéo cất vô khi anh vô tình không biết. Trong ảnh anh đang ôm vợ mới và ba đứa con nhỏ, nụ cười mãn nguyện hạnh phúc.
Chị khóc lặng trong căn phòng chạng vạng tối. Anh về khật khưỡng say, đi tìm chị và tỉnh hẳn rượu khi thấy chị ngồi hóa đá với những tấm ảnh trong tay. Đêm đó họ không ngủ. Anh kể, anh đã quá cô đơn. Những ngày đầu ở xứ người không nhà cửa, thiếu việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Nơi anh ở ít có người Việt nên anh rất cô độc. Nhất là trong mùa đông giá buốt, nhiều khi anh tưởng mình không gượng lên được nhất là khi nghe tin con gái mất. Rồi cô ấy đến với anh, người đàn bà đó cũng đơn thương độc mã như anh ở xứ người. Anh và cô ấy đã nương tựa nhau để sống, rồi ngày tháng qua, các con lần lượt ra đời anh càng phải làm, phải dành dụm, mãi mới về thăm em thăm quê. Chị hỏi trong nước mắt. Rồi chuyện mình anh tính sao? Anh gục đầu, anh cũng không biết nữa…
Mòn mỏi, anh ngủ quên. Sáng ra chị đã đi mất. Không đem theo bất cứ thứ gì kể cả những món quà anh tặng chị. Anh điên cuồng đi kiếm chị cho đến ngày đi. Tiễn anh chỉ có ba má chị già nua, ốm yếu, âu sầu.
Anh đi rồi ba má chị đem chị về nhà. Từ đó chị không tỉnh nữa, chị chìm trong thế giới nào đó bình yên hạnh phúc hơn, nơi có anh có con, nơi không có gió thổi lạnh sau lưng.
Cũng có khi chị tỉnh. Chị lại giơ tay ra cửa sổ vẫy vẫy khi tôi đi ngang, nhờ mua cho chị ít giấy màu để chị may đồ cho con gái.
Lúc tui học lớp 10 thì phải lên huyện học. Nhà cách huyện chỉ chừng 7 cây số đường chim bay nhưng bơi xuồng theo đường Sông Cái phải tốn gần nửa ngày, lội bộ thì chừng 2 tiếng. Mỗi tuần qua lại con đường băng ngang xóm chợ,qua xóm Miên, rồi qua một cánh đồng để về nhà tôi chợt để ý thấy mình có thói quen ngóng vào một khung cửa sổ màu xanh, hình tròn. Có lẽ đó là ngôi nhà đẹp nhứt ở đây với khung cửa sổ lạ nhứt không giống hầu hết nhà ở xứ nầy luôn có cửa sổ hình chữ nhật, mà cũng có thể vì khung cửa ấy thấp thoáng bóng một người con gái đẹp với mái tóc dài như tranh tố nữ. Trước nhà có một cái ao trồng đầy bông súng làm ngôi nhà như xa cách với mặt đường, với những người xung quanh. Có hôm trời mát, tui thấy má chị bắt ghế cho chị đứng lên để bà chải tóc cho chị, để tóc khỏi chấm nền nhà, tui mới nhìn rõ, chị không còn trẻ nữa.
Một ngày tui nghe chị ấy hát ru: Gió đâu gió thổi sau lưng, dạ đâu dạ nhớ người dưng quá chừng… chị ru đi ru lại câu đó nghe buồn rưng rức rồi nựng nịu con, nhưng tui chưa từng thấy nhà có con nít. Ngày khác tôi nghe chị khóc rất thê lương chỉ vì ba má chị cắt bớt tóc chị. Chị không cho cắt tóc, để dành chồng dìa vuốt. Một lần thấy chị cởi hết áo xống mà lao ra sân làm ba má chị phải khó khăn lắm mới đưa chị nhốt vô phòng. Nghe bà con nói chị điên chữ nhưng người biết nhiều hơn thì nói chị điên tình.
Qua lại đâu chừng hơn một năm tui mới biết rõ ngọn ngành. Trước tiếp thu chị học ở tỉnh, chị học rất giỏi lại xinh đẹp nên được nhiều anh để ý, chị chỉ thương một anh sĩ quan trẻ. Ngày giải phóng vô, loạn lạc, anh đã có thể di tản nhưng anh quành trở lại vì thương người yêu bé nhỏ là chị. Rồi anh phải đi học tập cải tạo đâu chừng 3-4 năm. Chị chờ anh dìa làm đám cưới, họ dìa quê sống trong căn nhà nầy với ba má chị. Ngày ngày anh làm ruộng, đặt chà, đốn lá dìa cho chị chầm lá bán. Những ngày đó ai ai sống cũng khó khăn huống chi là anh, mang danh lính ngụy. Chịu hết xiết anh quyết định đi Mỹ theo diện HO. Chị mới cấn thai nên anh khuyên chị ở lại với ba má cho an toàn, anh đi vài năm có điều kiện rồi sẽ rước mẹ con chị qua.
Anh đi rồi biệt tăm. Đứa con sinh ra trong thiếu thốn đã bệnh rồi chết để lại nỗi đau đớn khôn cùng cho người mẹ trẻ. Chị vẫn chờ anh. 10 năm sau, khoảng năm 90 anh về. Khỏi nói chị vui cỡ nào sau mười năm nhớ thương, chờ đợi. Bà con tới chung vui đầy nhà. Ba má chị làm hết gà qué đãi đằng bà con. Nhà chị vui như đám cưới lần hai. Anh về nhà được một tháng nên tung tăng qua thăm xóm giềng. Chị ở nhà cặm cụi soạn quần áo cho chồng. Bàn tay đảm đang, chu đáo đã vô tình chạm tới tấm ảnh dưới đáy vali mà vợ mới của anh đã khôn khéo cất vô khi anh vô tình không biết. Trong ảnh anh đang ôm vợ mới và ba đứa con nhỏ, nụ cười mãn nguyện hạnh phúc.
Chị khóc lặng trong căn phòng chạng vạng tối. Anh về khật khưỡng say, đi tìm chị và tỉnh hẳn rượu khi thấy chị ngồi hóa đá với những tấm ảnh trong tay. Đêm đó họ không ngủ. Anh kể, anh đã quá cô đơn. Những ngày đầu ở xứ người không nhà cửa, thiếu việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Nơi anh ở ít có người Việt nên anh rất cô độc. Nhất là trong mùa đông giá buốt, nhiều khi anh tưởng mình không gượng lên được nhất là khi nghe tin con gái mất. Rồi cô ấy đến với anh, người đàn bà đó cũng đơn thương độc mã như anh ở xứ người. Anh và cô ấy đã nương tựa nhau để sống, rồi ngày tháng qua, các con lần lượt ra đời anh càng phải làm, phải dành dụm, mãi mới về thăm em thăm quê. Chị hỏi trong nước mắt. Rồi chuyện mình anh tính sao? Anh gục đầu, anh cũng không biết nữa…
Mòn mỏi, anh ngủ quên. Sáng ra chị đã đi mất. Không đem theo bất cứ thứ gì kể cả những món quà anh tặng chị. Anh điên cuồng đi kiếm chị cho đến ngày đi. Tiễn anh chỉ có ba má chị già nua, ốm yếu, âu sầu.
Anh đi rồi ba má chị đem chị về nhà. Từ đó chị không tỉnh nữa, chị chìm trong thế giới nào đó bình yên hạnh phúc hơn, nơi có anh có con, nơi không có gió thổi lạnh sau lưng.
Cũng có khi chị tỉnh. Chị lại giơ tay ra cửa sổ vẫy vẫy khi tôi đi ngang, nhờ mua cho chị ít giấy màu để chị may đồ cho con gái.
TRẦN KIM CHI
0 nhận xét:
Đăng nhận xét